Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2018

TÌNH NGHĨA VỢ CHỒNG (chia sẽ hay về tình cảm vợ chồng)

Từ ngày Cha mất đi Mẹ Tôi ngày nào cũng buồn rầu khóc lóc khuyên giải thế nào cũng không sao nguôi được. Cứ chiều chiều Mẹ lại ngồi ngóng về phía chân trời xa xăm như ngóng đợi Cha Tôi sẽ trở về từ nơi đó. Chỉ cần Ai hỏi thăm một câu là Mẹ lại òa khóc, nước mắt chảy giàn giụa xuống hai gò má nhăn nheo ngoài tám muơi của Mẹ. Bà gầy rộc và sọp đi trông thấy. Ăn chẳng bữa nào thấy ngon ngủ chẳng lúc nào yên giấc.

Hôm rồi xuống thăm, Mẹ nhìn thấy Tôi, lại òa khóc mà Tôi không sao cầm được nước mắt. Thưong Mẹ quá nhưng chẳng biết làm sao được chỉ biết nói vài lời an ủi động viên Mẹ rồi về nhưng sao lòng nặng chĩu khắc khoải không yên.

Thế mới biết tình nghĩa vợ chồng giữa Bố và Mẹ sâu nặng tới mức nào. Hơn sáu muơi năm làm phu thê bên nhau sớm tối , giờ một người đã ra đi. Người ở lại vô cùng trống vắng và đơn lẻ, Như chim Uyên ương lẻ bạn . Sinh ly tử biệt là nỗi buồn to lớn chẳng chừa một ai. Khi ngồi viết những dòng này mà nước mắt Tôi vẫn trào ra rơi trên bàn phím.
Cha Tôi sinh năm 1930, tuổi canh ngọ, số ngựa trên đường nên cả đời long đong lận đận bôn ba khắp nơi.

Mười ba tuổi mồ côi Mẹ, hơn hai muoi mồ côi cha. Mười sáu tuổi, Ông vào thiếu sinh quân làm liên lạc. Ông từng đi bộ khắp miền bắc. Về sau đi học y tá. Mẹ Tôi sinh 1936 kém Bố Tôi sáu tuổi.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, cha Tôi là quân y trung đoàn...
Còn Mẹ Tôi là dân công hoả tuyến.
Họ quen nhau trong bom rơi đạn lửa, không có nhiều thời gian chỉ kịp cho nhau biết địa chỉ quê nhà rồi lại ly biệt.

vợ chồng già hạnh phúc
vợ chồng già hạnh phúc (ảnh chỉ mang tính minh họa)

Sau hiệp định giơ ne vơ, hoà bình lập lại ở miền bắc. Cha Tôi tìm về quê Mẹ Tôi theo địa chỉ đã biết.
MẸ Tôi lúc đó đang ở với bà ngoại là một địa chủ ở xã Đại Đình Tam Đảo.
Lúc đó Đơn vị của Cha Tôi đóng ở Đại từ, Thái Nguyên thế là Ông một mình trèo đèo lội suối vượt qua dãy Tam Đảo, đầy hiểm trở và thú dữ để đi tìm người yêu.
Gặp lại nhau hai người rất tâm đầu ý hợp thề nguyện cùng đầu bạc răng long. Song Cụ Tôi tức bà ngoại của Mẹ cực lực phản đối. Trong mắt cụ, Cha Tôi là một thằng cù bơ cù bất, mồ côi cả mẹ lẫn bố, không thước đất cắm dùi không đồng xu dính túi. Có thể nói trên răng dưới cù lẳng lại quê mãi tận Hà Nam xa tít mù tắp. Mẹ Tôi lại người cháu duy nhất, vì Cụ không có con trai chỉ có một mình Bà ngoại Tôi. Mẹ Tôi lại ở với Cụ từ bé.

Rất may, Ông ngoại Tôi lại là nhà cách mạng lão thành. Ông từng phá cả căn nhà hai tầng để tiêu thổ kháng chiến. Sau này Ông là thầy giáo cấp ba và cũng làm tới chức phó chủ tịch huyện. Nhờ Ông Ngoại có tư tưởng cấp tiến mà Bố Tôi mới cưới được Mẹ Tôi. Nghe kể lại hôm cưới Cụ Ngoại Tôi kêu khóc ghê lắm phải đưa cụ đi nơi khác mới tổ chức được.
Sau ngày cưới một thời gian, Bố Tôi chuyển ngành ra làm ở đoàn địa chất,đưa Mẹ Tôi đi theo. Lúc đó công tác ở mãi tận mỏ than Vàng danh, Uông bí.

Sau này Bố Tôi lại chuyển về làm y tế ở cửa hàng bách hoá tổng hợp Hà Nội. Tiền thân của Tràng Tiền pla za ngày nay.
MẸ Tôi thì về làm ở cửa hàng mua bán huyện Tam Dưong rồi về sau chuyển sang xí nghiệp may ở Vĩnh Yên.
Từ khi kết hôn với nhau luôn hết mực yêu thương nhau. Những đứa con lần lượt ra đời trong bối cảnh vô cùng khó khăn, đất nước còn chiến tranh bom đạn liên miên. Bố Tôi ở xa rất ít về chủ yếu mình mẹ Tôi nuôi con.

Rồi Bố Tôi tự học và thi đỗ Đại học y Hà Nội. Bảy năm đi học đằng đẵng, Mẹ Tôi lại một mình nuôi bốn đứa con. Mẹ làm công nhân may ở bộ phận thùa khuy đơm cúc. Thời đó chưa có máy móc hiện đại hầu hết phải thùa khuy đơm cúc bằng tay. Mẹ thức thâu đêm để làm việc lấy tiền nuôi các con. Người Mẹ gầy như con cá mắm nhưng lưong lúc nào cũng cao nhất xưởng.

Bố Tôi là người học tiếng Pháp, Ông ảnh hưởng văn hoá phương tây không bao giờ mắng chửi vợ cho dù có tức đến mấy. Trong những lần Bố Mẹ có va chạm chỉ thấy Mẹ Tôi mắng Bố chứ chưa bao giờ thấy Bố mắng mẹ.
Bố Tôi nói :
-Tao nợ Mẹ mày nhiều lắm! Mẹ mày là con cháu nhà địa chủ chịu lấy Tao một thằng mồ côi nghèo kiết xác đã là thiệt cho Mẹ mày lắm.
Sau này Mẹ mày lại một mình nuôi con rất vất vả vì vậy Tao rất nể Bà ấy không bao giờ muốn nói nặng.

Sau này khi Bố Tôi ra trường làm bác sĩ cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn phần nào.
Năm tháng dần trôi, con cái đều trưởng thành lấy vợ gả chồng hết cả.
Bố và Mẹ đều về hưu sống rất thuận hoà bên nhau. Kinh tế không còn khó khăn nữa nhưng cả hai đều bị tiểu đường Không được ăn uống thỏa mái nữa,kiêng khem rất khổ.
Hai người hàng ngày vẫn Sớm tối bên nhau, chuyện trò rủ rỉ ôn lại chuyện ngày xưa không rời nửa bước. Hàng tháng cùng nhau ra bệnh viện khám sức khỏe.

Tuy đã cao tuổi nhưng tình cảm của hai người vẫn gắn bó keo sơn không xa rời nửa bước. Có lúc Tôi đón Bố lên nhà chơi nhưng chỉ được hai là Ông cụ lại đòi về vì nhớ Bà. Lúc Ông đi vắng Bà ở nhà cũng không sao ngủ được.

Vậy mà Cha Tôi đã đột ngột ra đi vào một ngày cuối thu, trời mưa tầm tã. Bầu trời xám xịt, vần vũ những đám mây đen. Một loạt sấm rền vang trên không trung như loạt đại bác tiễn đưa Cha về nơi cực lạc. Chốn trần ai từ nay vắng bóng người. Mưa vẫn rơi và nước mắt Mẹ Tôi cũng rơi. Tiếng khóc của Mẹ nghe thê lưong ai oán xoáy vào tâm can mọi người mà không ai không rơi nước mắt. Mẹ kể lể những tháng ngày gian khó bên nhau giờ đây khi được sung sướng, Ông lại bỏ Tôi mà đi. Giờ đây Tôi biết sống ra sao khi không có Ông ở bên ối Ông ơi là Ông ơi.

Nhiều ngày sau khi Cha Tôi mất đi, đến mỗi chiều Mẹ vẫn khóc như vậy. Các con khuyên bảo mãi thì Bà mếu sụt sịt :
-Nhưng mà Tao thưong bố mày lắm!

Giờ đây khi Cha Tôi đã ra đi được gần một năm nhưng hình như nỗi nhớ thưong Cha của Mẹ vẫn chẳng vơi đi chút nào. Hàng ngày Bà vẫn sống trong buồn bã và rầu rĩ. Thế mới biết tình nghĩa vợ chồng giữa Cha và Mẹ sâu nặng thật. Liệu thế hệ chúng ta sau này có được như vậy không nhỉ.

*** Bài viết giàu tình cảm vợ chồng này Lê Hoàng Kha cóp nhặt từ chia sẽ của anh Đặng Lê Hùng.

Previous Post
Next Post

Share
NỘI DUNG PHÙ HỢP

1 nhận xét:

Đỗ Văn nói...

DVD vào thăm trang nhà, được thưởng thức nhiều bài đăng hay!
DVD xin ghi nhớ địa chỉ blog này để thưởng thức, giao lưu!
Đây là địa chỉ blog của DVD:

https://dovaden2010.blogspot.com

mà DVD gọi đùa là "lều cỏ"!
DVD mới Lê Hoàng Kha khi có dịp thuận tiện thì ghé vào tham quan chút đỉnh!
DVD cảm ơn và chúc Lê Hoàng Kha vui khỏe, an lành!