Thứ Tư, 20 tháng 6, 2018

Nhớ Quá Tuổi Thơ Ơi (Viết về những kỷ niệm mãi còn trong ký ức)

(Mình sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, tuổi thơ của mình gắn liền với nơi sơ tán những năm chống Mỹ thập niên 60' thế kỷ trước, nơi này mình luôn coi là quê hương thứ hai của mình. Nỗi nhớ này dành cho quê hương thứ hai ấy).

Xưa, trẻ con tụi mình vui lắm. Bạn bè cùng xóm, cùng làng chơi với nhau thân thiết vô cùng. Tụi mình thường chí chóe đánh nhau đến khóc, rồi lại làm lành, rối cuối cùng vẫn không thể thiếu nhau trong những trò chơi con trẻ.

Tuổi thơ tôi,
Đứa nào cũng thế:
sáng trèo cây na, cây ổi,
trưa lội ruộng mò ốc, bắt cua,
chiều tồng ngồng bến sông bơi lội .

Tuổi thơ tôi,
đứa nào cũng biết:
đánh khăng, đánh đáo,
bắn bi, làm pháo
Lúc trưa hè
nằm khểnh bờ ao
nghe sáo diều
hóng cơn gió mát…

Tuổi thơ tôi,
Đứa nào cũng thích:
bịt mắt bắt dê
chọi cỏ gà, kéo co,
đánh trận giả…

Tuổi thơ tôi,
Là những tháng năm
không toan tính thiệt hơn, lời lãi
Chỉ yên bình nhặt nhạnh những niềm vui.

Mình vẫn còn nhớ như in đầu ngõ xóm nhà mình có một khuông đất rộng rãi, thoáng đãng, xung quanh là cây xoan, cây nhãn ở giữa là bãi đất trống là nơi bọn mình vẫn hay đá bóng bằng trái bưởi xanh, chọi quay, chơi khăng, đánh đáo...

Mình vẫn còn nhớ rất rõ cái ao làng to tướng bên đình, phía bờ giáp đình là hàng cây đại cổ thụ, phía bờ bên kia là rặng ổi và hàng chục cây nhãn trơ, lũ trẻ bọn mình thường ra vặt trộm ổi xanh, ăn nhiều đến nỗi táo bón rặn cả ngày căng da mặt cũng chả ra được một cục phân nho nhỏ nào. Mùa hè hái mấy trái nhãn trơ, mồm đứa nào đứa ấy cứ dẩu cả ra, nước nhãn, nước dãi chảy ròng ròng quanh mồm, quanh cổ để nhằn cái cùi nhãn mỏng tang.

Lũy tre làng
ảnh lũy tre làng.

Mình vẫn còn nhớ rõ hai hàng lũy hai bên làng ken đặc những bụi tre dày, lũy tre tự bao đời đã bao bọc, chở che cho người dân làng mình, Lũy tre làng là nơi gắn bó với nhiều thế hệ tổ tiên của gia đình, của người dân quê. Ở nơi ấy gắn bó một phần kí ức tuổi thơ của mình. Sau mỗi buổi làm việc đồng áng về, các các cô, các bác nông dân được ngồi nghỉ ngơi hóng mát dưới lũy tre làng trưa hè thì thật là thú vị. Các cụ ví : "Trăm thằng hầu không bằng ngồi đầu ngọn gió". Gió đâu thổi về mà mát rượi, chỉ có ngồi ở lũy tre đầu làng mới mát đến như vậy mà thôi! Hàng duối cạnh bờ ao nhà chú Chuyền, mỗi khi hè về quả duối chín vàng rực ăn vào miệng thấy ngòn ngọt thơm thơm, hàng rào cúc tần giữa nhà mình và nhà chú Nhất, nhà ai trong xóm thịt chó đều sang vặt vài nắm đem băm đúc dồi. Nhớ cái hàng rào xương rồng xen lẫn dâm bụt chờ những hôm tiết trời sùi sụt bỗng nở bừng hoa đỏ thắm làm điểm nhấn cho đường làng nơi cổng nhà thím Minh.

Gần tết khi làng tát ao, tụi nhóc bọn mình vẫn ùa xuống hôi cá, bùn đất đen nhem nhẻm từ đầu đến chân. Nhớ những con mương dẫn nước ra đồng, tụi nhóc bọn mình vẫn be bờ tát vét, bắt tôm, bắt cá, bắt cua.

Mình vẫn còn nhớ những ngày mưa rào nước ngập trắng đồng, tụi mình mang nơm đi úp cá đẻ. Có lúc nước tràn bờ, mấy anh nhớn còn bắt tụi mình dàn hàng ngang rình bắt cá chép, cá mương, cá mè, cá rô vượt dòng lên bờ.

Mình chẳng thể quên những đêm nước ngập trắng bờ. tối đến, mình theo anh Thể đi kéo vó ngoài sông Nội, những đêm trở trời, cá nhiều hai anh em thức trắng đêm, đôi khi kéo được con trắm, con chép nào cỡ 3-5 cân là sướng lắm. Mà đi từ nhà ra đến chỗ kéo vó mấy cây số, đồng không mông quạnh, cũng không thấy sợ hãi gì.

Mình vẫn nhớ buổi trưa, cùng chị Yên mang vó tôm ra đồng để cất vó. Trước đó, hai chị em đã rang thính ngô trộn gạo rang, thêm chút húng lìu thơm phức. Bà chị lúc nào cũng đảm đương việc kéo vó tôm, mặc kệ ông em rong chơi. Đôi lúc kéo được con trê, con trạch. Mình còn nhớ có lần chị kéo được con cá diếc to cỡ bàn tay trẻ con của mình, mình lóng ngóng chộp trượt, con cá rơi tõm xuống ao, mình bị chị mắng cho tơi bời nào là đồ hậu đậu, đồ vô tích sự, con cá ấy kho lên ăn được mấy bát cơm… rồi nhỡ nó rơi xuống nó báo cho bọn cá tôm dưới ấy không vào ăn trong vó nữa thì sao…buồn cười thế. Đến chiều về hai chị em bê rổ tôm tép đòng đong, chắn bên trên là mấy cái lá tre, hay lá khoai sọ, về đưa cho mợ để mợ đem kho, cả tôm, tép lẫn chạch, đòng đong, cân cấn… đều vàng ươm, thơm ngậy. Cả nhà được bữa ăn tươi ngon miệng và vui vẻ, trong bữa ăn chị Yên vẫn chưa thôi kể cho cả nhà nghe và tiếc nuối con cá diếc bị mất vì mình hậu đậu, đúng là con cá mất là con cá to.

Lại nói về cá, mình nhớ có lần trốn học theo bọn trẻ sang làng Đành chơi đánh đáo ăn diêm, mải chơi đến quá trưa mới chịu về, đi đường tắt về nhà qua vũng nước đọng ngoài đồng, chợt thấy nhung nhúc cá ở ruộng khô dồn cả về chỗ trũng nước, mình vội lấy mũ rơm hớt trọn bộ chỗ cá ấy đem về trong lúc cả nhà ba mợ, các anh chị nháo nhào đi tìm mình mà không thấy. May có đầy một mũ rơm cá làm cứu cánh không thì hôm ấy được một trận no đòn.

những ngày đi thả trâu
Những ngày đi thả trâu.

Mình vẫn nhớ buổi chiều tha thẩn trên bờ đê, bờ mương chăn trâu, chăn bò với đám nhóc cùng lứa. Hết nằm dài triền đê ngắm diều lượn, nghe tiếng sáo diều đo… đo…o…o…o của ông Cân, rồi lại lúi húi vạch cỏ nhặt cỏ gà để chọi với nhau, cũng hò, cũng hét cũng cổ vũ cho đứa nọ đứa kia vui lắm. Rồi đến chiều lũ nhóc bọn mình cả trai lẫn gái tồng ngồng đứng trên cầu Nội, nhảy ùm ùm xuống nước.

Mình vẫn nhớ lắm thằng Bộ con ông Kính tham ăn, những đêm mùa đông giá bọn mình thường hay ngồi sưởi bên bếp củi, nướng củ khoai, củ sắn rồi chia nhau từng miếng nóng hổi để ăn, nhiều khi không muốn chia phần của mình cho đứa khác bèn cho tỏm cả vào mồm để rồi nóng quá xuýt xoa lại nhè ra. Hôm ấy thằng Bộ kiếm đâu ra được mấy hạt mít đem nướng, hạt mít vừa chín tới, thấy mình đi đến thằng Bộ bèn đút tỏm hạt mít vào mồm, ngờ đâu đúng lúc ấy hạt mít nổ cái đốp trong miệng, thằng Bộ ôm mồm kêu trời mà không dám khóc, đến khổ, chỉ vì cái tội tham ăn mà cái mồm nó xưng vêu lên đến cả tuần lễ.

Mình vẫn nhớ chị Lụa, chị Điểm, chị Đài, Chị Sen… xinh cực, các chị hay hát bài “Trai anh hùng, gái đảm đang”, trong đó có câu “Đất anh hùng gái đảm việc trung thay thanh niên / giữa lứa tuổi khi mái đầu còn xanh / yêu nước em càng yêu anh đi …anh đi, công tác xóm làng ba đảm nhiệm em lo”. Nhớ hồi ấy ông Hoàng Vân mới viết bài “Quảng bình quê ta ơi”, chị Điểm rất hay hát bài này, chỉ mỗi tội chị không thuộc hết lời. Mình còn nhớ chị hay hát đoạn: “…Có nhớ những ngày cơ cực tối tăm ngày xưa Quảng Bình... ( Khoan khoan hò khoan ) bao mến thương... ( Khoan khoan hò khoan ) Đã mười năm rồi quê ta bao đổi thay rồi ( Khoan khoan hò khoan )... ” nhưng cứ đến đoạn “Ơi chị dân quân canh gác ven biển / Ơi anh chiến sĩ …” thì chị không nhớ lời bèn hát rằng: “Ơi chị dân quân na xí na xỏn / Ơi anh chiến sĩ na xí na mỉ.” Hi hi, cái vụ “ơi anh chiến sĩ na xí na mỉ” này tính đến nay đã hơn 50 năm rồi mà mình vẫn không thể nào quên.

Mình nhớ lắm các thầy, các cô. Nhớ thầy Tài dạy văn, thày giải thích các cụ nhà ta ngày xưa không làm cái gì thừa bao giờ, thày chỉ cái lỗ tròn nho nhỏ khuyết ½ trên mặt cái ghế đẩu nói: “Ví dụ như cái lỗ này, nó có hai tác dụng một là để nhấc ghế lên di chuyển cho thuận tiện, còn nữa là để người ngồi lên đấy nếu nhỡ có đánh rắm thì nó có tác dụng thoát hơi.” Chắc thày tán chuyện trong lớp cho vui để bọn mình khỏi buốn ngủ chứ giáo án nào lại dạy học trò như thế. Thày còn nói với bọn mình là “ bây giờ là thày trò, mai sau biết đâu thày trò mình lại gặp nhau trên con đường văn học nghệ thuật thì lúc ấy lại là đồng nghiệp” he he.

Lại nhớ hồi thi lên cấp 2, thày Hệ lo lắm chỉ sợ bọn mình không làm được bài mà lưu ban thì trường mất điểm thi đua, trước khi thi, thày bắc thang lấy phấn ghi các công thức toán, các sự kiện lịch sử , các số liệu địa lí Việt nam, thế giới … lên xà nhà để bọn mình lấy đó làm phao đỡ phải lấy sách ra quay cóp, đến hôm thi các phụ huynh, anh chị của thí sinh ở ngoài sôt ruột lắm, chỉ sợ con em mình không làm được bài thì gay, nên cử một vài người lớp trên chờ bên trong tuồn đề ra rồi giải, giải xong thì chép ra nhiều tờ giấy khác để người nhà ở ngoài ném bài vào trong ( hồi ấy làm gì có photocopy như bây giờ), ông Nhỡ thấy người ta ném bài cũng cố xin một tờ để ném cho con ở trong, loay hoay không biết làm thế nào để ném bài, bỗng ông nghĩ ra sáng kiến trèo lên mái nhà, vạch mái rạ ra để ném xuống cho trúng, đang vạch mái rạ thì tụt mái rơi xuống giữa phòng thi, làm mọi người (cả trong lẫn ngoài) được phen cười vỡ bụng.

Mình nhớ lắm thày Chỉnh đang dạy bọn mình thì lên đường nhập ngũ, cái hôm tiễn thày lên đường không hiểu sao cô Dung khóc nhiều thế, thấy cô Dung khóc nhiều nên bọn mình cũng mếu máo khóc thày ơi, thày đừng đi đâu, thày ở lại dạy bọn em cơ. Thày Chỉnh lên đường đi bộ đội, thế rồi thày đi mãi, không bao giờ trở về với trường Đại Thành của bọn mình nữa.

Mình nhớ lắm lớp học thời sơ tán, một nửa ở dưới đất một nửa nổi lên trên, mỗi khi máy bay Mỹ đến ném bom tất cả lại chạy theo đường hầm dưới lớp chạy ra hầm trú ẩn, những lúc không phải học, mình với thằng Hà khoét riêng một cái hầm hàm ếch cho hai đứa, cũng chỗ để cặp, chỗ để đèn, chỗ để lọ mực, chỗ để mũ rơm… hàm ếch được bào nhẵn thín, những ngày hè nóng bức nhiều khi thích ngủ trưa ở hầm hơn ở nhà.

Ôi, có quá nhiều điều, quá nhiều thứ của tuổi thơ phải nhớ mà không dám quên. Còn giờ đây… mỗi khi về làng thấy có quá nhiều thứ đã mất mát đi rồi không còn cơ hội gặp lại.

Hôm vừa rồi về làng, mình muốn chụp một tấm hình bên lũy tre làng. Nhưng tìm quanh làng chẳng thấy có lũy tre nào, đất chật, người đông, trồng tre không còn hợp thời nữa, nên người ta chặt bỏ hết, để trồng thứ cây khác đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, và nét văn hóa thì đang mất dần theo thời gian.

Hai lũy tre bao quanh làng đã bị hạ xuống, đào thành mương dẫn nước thời hợp tác xã. Đình làng đã biến thành sân kho, nhà kho. Ao đình đã bị lấn chiếm phân nửa, nửa phần còn lại giao thầu nuôi cá vài chục năm nay, có người đã xây nhà bên bờ ao đình, không biết ao đã bị ai chiếm riêng chưa. Các ao nước khác trong làng đã bị đổ đất san nền để ở gần hết. Hàng duối, hàng xương rồng, dâm bụt, cúc tần… nay đã thành tường gạch mất rồi. Cổng làng xưa xây đẹp là thế nay đã bị phá bỏ thay vào đó là cái cổng chào bằng tre có hàng chữ “Làng văn hóa Đại Mản” .

Ruộng đồng lốm đốm chỗ cày cấy, chỗ bỏ không. Người còn sức lao động bỏ làng ra Hà Nội, vào Nam, đi Hàn Quốc, đi Đài Loan làm ăn hết. Làng giờ chỉ còn người già và trẻ con.

Có lần về làng thăm bác Cả cụ chép miệng nói: Mấy năm nữa thì nước giếng dùng xong cũng không biết đổ đi đâu nữa.

Ôi, nhớ lắm tuổi thơ tôi.Tự nhiên lẩn thẩn thầm nghĩ không biết bốn, năm mươi năm nữa, những hoạt động của tuổi thơ còn đọng lại được gì trong tâm hồn lũ trẻ hôm nay?

Thương quá tuổi thơ nay.


***Bài viết này Lê Hoàng Kha cóp nhặt từ tác giả Tạ Trí.
Previous Post
Next Post

Share
NỘI DUNG PHÙ HỢP

3 nhận xét:

Nhan Cong Nguyen nói...

Mỗi một thế hệ sẽ nhớ mãi tuổi thơ của mình . Đó là những vết hằn trong mỗi một con tim . Quê hương và Tuổi thơ là mãi mãi...

Đặng Xuân Bường nói...

Chuyện tuổi thơ của Tạ Trí lão đại đọc thấy da diết lắm. Vãn sinh cũng có một "tuổi thơ em thả trên đồng" nên có rất nhiều cảm xúc chia sẻ với tiên sinh. Nó cũng da diết như mấy câu thơ của nhà thơ Đồng Đức Bốn

Chăn trâu cắt cỏ trên đồng
Rạ rơm thì ít, gió đông thì nhiều
Mải mê đuổi một con diều
Củ khoai nướng để cả chiều thành than.

Trần Huyền nói...

Bài viêt như nói hộ nỗi lòng của những ngươi đang trong độ tuổii 60-70 ,Những kỷ niệm tuổi thơ chăn trâu ,cắt cỏ ,kéo vó ,đc tái hiên trong bài viêt .Cám ơn tác giả !