Thứ Tư, 20 tháng 6, 2018

Tản mạn về ĐÈN KÉO QUÂN (ĐÈN CÙ)

(Nhân Ngày của Cha đăng lên đây một kỷ niệm với Ba mình, câu chuyện đã qua hơn nửa thế kỷ, nhưng với mình lại là một kỷ niệm không thể nào quên).

Khen ai khéo xếp (Ối a) cái đèn Cù
Voi giấy (ới a) ngựa giấy (ơ) tít mù nó lại vòng quanh...

Tản mạn về ĐÈN KÉO QUÂN (ĐÈN CÙ)
đèn kéo quân.


Còn nhớ ngày bé thơ, cứ trước khi Trung Thu về, Ba mình đã chuẩn bị nguyên vật liệu để làm cho mình năm thì đèn ông sao loại to lắm, ở năm cánh và giữa hình ông sao còn dán cả các hình cá, ngựa, trâu bò, gà vịt, mục đồng… trông rất vui mắt. Có năm thì Ba làm đèn ông cá chép cũng rất to, được dán bằng giấy bóng kính trong vắt nhìn thấu được vào tận bên trong lòng ông cá với cái khung tre chắc chắn.


Đúng đêm Trung Thu gắn hạt bưởi đã được bóc vở ngoài lẫn vỏ giấy rồi sâu vào que tre cật phơi khô, đêm Trung Thu gắn vào đầu cán bên trong lòng ngôi sao hay ông cá chép rồi đốt lên, chao ơi, cái đèn nó lung linh sắc màu, nó lấp lánh, lộng lẫy khác thường, rồi tiếng nổ lách tách nhè nhẹ cộng với làn khói bay ra từ sâu nến hạt bưởi khen khét nhưng vẫn đâu đó mùi thơm ngát thoang thoảng trong sự hãnh diện của mình rước đèn đi trước kéo theo sau là lũ trẻ đồng lứa trong khu đứa thì trống ếch, đứa mõ quay, đứa đèn ông sư, đứa đèn con thỏ… vừa đi vừa hò hét rất vui.

Còn nhớ Trung Thu năm 1961, trước đó cả tháng trời, Ba mình đã chuẩn bị nguyên vật liệu nào tre, nào bìa, nào giấy bóng kính… rồi nói năm nay Ba sẽ làm cho con cái đèn kéo quân. Nào đã nhìn thấy cái đèn kéo quân bao giờ đâu, nghe Ba nói thế mình mừng và háo hức lắm. Hôm nào cũng vậy, cứ nhìn thấy đám nguyên vật liệu vẫn nguyên vị đấy chưa suy chuyển gì mình lại giục: “Sao Ba chưa làm” thì Ba lại bảo chưa làm được vì vật liệu chưa đủ.

Rồi đến một ngày, thấy Ba lấy dao pha mấy thanh tre rồi ngồi ở hiên nhà vừa chẻ, vừa vót, mình mừng lắm cứ đi học về lại sà vào ngồi cạnh để chờ ông sai vặt. Thế rồi ngày qua ngày từng bộ phận của đèn kéo quân dần dần hình thành từ cái khung hình trụ bên trong được dán bằng giấy can trong đến cái khung ngũ giác bên ngoài mỗi mặt được dán bằng giấy bóng kính các màu xanh, đỏ, vàng đâu ra đấy. Đến khâu lắp ráp, mình thấy ông loay hoay mãi mấy ngày mà không xong, rồi Ba lại bỏ đấy không làm nữa xoay qua ngồi vẽ minh hoạ cho NXB Kim Đồng. Mình sốt ruột lắm cứ ra sờ sờ, mó mó hai cái khung trong khung ngoài, hai bộ phận của đèn kéo quân đã làm xong để đấy, nhưng không dám giục Ba làm tiếp.

nghệ nhân làm đèn kéo quân
Nghệ nhân làm đèn kéo quân.

Chỉ còn hơn tuần nữa là đến Trung Thu rồi mà vẫn chưa thấy Ba vẽ cho NXB Kim Đồng xong, mình càng sốt ruột. Mấy hôm sau, vừa đi học về thấy Ba với bác Sần đang ngồi lắp hai cái khung (bác Sần là nghệ nhân làng tranh Đông Hồ), mình mừng lắm sà vào ngồi xem, thấy bác Sần nắn nắn hai cái đầu trục của cái khung hình trụ bên trong rồi thổi một cái nhè nhẹ vào cái cánh quạt làm bằng phim phía trên nắp, cái khung hình trụ quay tròn, bác càng thổi mạnh thì cái khung càng quay nhanh, sau đó bác nói được rồi, châm nến lên là quay tít ngay. Thế rồi Ba với bác Sần quay sang ngồi uống nước chè với nhau, còn mình thì vừa háo hức, vừa sốt ruột bởi Trung Thu đến nơi rồi mà Ba với bác Sần không làm ngay và luôn đi lại còn ngồi pha trà uống nước với nhau thế kia. Trong bụng nghĩ thế nhưng vẫn không dám ỷ eo giục giã gì vì sợ bị mắng.

Một lúc sau bác Sần về, ra đến sân bác còn nói với vào: “Bác cứ chau chuốt cho kỹ đi, mai rôi tôi mang hình trổ bằng giấy trang kim sang để bác dán vào cho cháu”.

Quay lại với cái đèn kéo quân đang làm dở, Ba nói với mình: “ Đèn kéo quân này ngày hồi còn nhỏ Ba cũng đã cùng ông nội làm một vài lần rồi, vả lại mấy chục năm chưa làm lại lần nào, bây giờ sờ đến, nhiều chi tiết chưa được chuẩn nên phải nhờ bác Sần sang xem giúp. Chỉ vài ngày nữa là xong thôi. Trung Thu này chắc chắn con có đèn kéo quân chơi rồi”. Nghe ba nói xong, mình sướng rên, vỗ tay hoan hô ba, rồi ôm cổ ba vừa hôn vừa đu lên trong niềm sung sướng.

Hôm sau, bác Sần sang, mang theo một gói nhỏ bọc bên ngoài bằng tờ giấy bản đưa cho ba mình, sau khi kiểm tra lại cái đèn kéo quân một hồi nữa thì bác nói: “ổn rồi, thế là được rồi” sau đó bác về ngay có việc (may quá bác không ngồi lại uống nước chè như hôm qua). Ba mình mở cái gói giấy ra cho mình xem, thì ra nó là những con trâu, con ngựa, mục đồng, tiến sĩ giấy, gà, lợn, trâu, bò… be bé xinh xinh được trổ bằng giấy trang kim rất đẹp. Cho xem xong ba mình xếp loại các con giống bằng giấy trổ ra trâu bò lợn gà riêng, ngựa, tiến sĩ, ô lọng… riêng, rồi vừa giảng giải đây là tiến sĩ đỗ đạt làm quan về làng vinh quy bái tổ, những quân hầu hai bên che ô, che lọng cho tiến sĩ, rồi ngựa anh đi trước, ngựa nàng theo sau, rồi theo sau nữa là trâu bò lợn gà… chả mấy chốc các hình giấy trổ đã được ba dán hết lên lớp giấy can trong căng bên ngoài cái khung hình trụ, cũng vừa lúc ba kể cho mình nghe xong tích “Vinh quy bái tổ”.

Xong xuôi, Ba gắn cái khung hình trụ vào cái giá đỡ có hai cái trục bằng dây thép mài nhọn ở hai đầu, không quên nhỏ vào mỗi đầu trục một giọt mỡ, ba bảo là để cho trơn, rồi ba gắn vào bên trong lòng cái khung hình trụ ấy một cây nến con con. Sau đó ba lắp cái khung hình trụ vào bên trong cái khung hình ngũ giác, rồi mình lại thấy ba thổi nhẹ một cái vào cái cánh quạt phía trên nóc đèn thấy cái khối hình trụ bên trong quay từ từ, ba mình thổi mạnh hơn, nó lại quay nhanh hơn, các hình dán lên đó chuyển động vòng quanh trông rất vui mắt. Mình sướng lặng cả người đi không nói được câu nào. Ba bảo xong rồi, chờ đến tối ba đốt nến cho chạy thử.

Tối ấy, cơm nước xong xuôi, mình thẽ thọt nói: “Ba ơi, ba thắp nến đi”, chả nói năng gì ba dắt tay hai chị em mình ra chỗ cái đèn kéo quân, nhấc cái lồng đèn hình trụ ra, ba bật diêm châm vào cái bấc nến, chúc cây nến xuống, nhỏ mấy giọt nến nóng chảy xuống thanh khung bên dưới rồi cắm cây nến vào đấy, lồng khung hình ngũ giác ra bên ngoài, Ba nói để nến cháy một lúc cho đủ độ nóng trong đèn lồng, Ba lấy tay khẽ quay nhẹ cái lồng có dán hình ông tiến sĩ, thế rồi cái lồng bắt đầu quay, Ba tắt hết đèn đi, cái đèn kéo quân là điểm sáng duy nhất trong nhà. Hai chị em mình vừa nín thở, vừa hồi hộp chờ xem cái đèn nó sẽ chạy ra sao. Thế rồi nó cứ từ từ quay đi đầu là hình ảnh ông tiến sĩ cưỡi ngựa có lính hầu che lọng, rồi đến ngựa của vợ ông tiến sĩ theo sau là quân lính rồi đến chú mục đông cùng trâu, bò, lợn, gà… xếp thành hàng trông rất uy nghiêm. Và hai chị em mình nắm tay nhau nhảy múa xung quanh cái đèn trong niềm vui sướng tột cùng và nụ cười hiền dịu của Ba…

Chả cần phải nói Trung Thu năm ấy mình sung sướng và hãnh diện đến nhường nào trước lũ trẻ trong xóm, chắc bạn đọc cũng đã hình dung ra rồi.

***

.Ba đã ra đi vào ngày Phật đản cách đây tròn 20 năm, mình bây giờ đã là một ông già, những quả bưởi trong vườn nhà ở quê đã ngả sang màu vàng ươm và những quả chuối cũng lốm đốm trứng cuốc rồi. Đi qua chợ Hàng Mã, đồ chơi truyền thống giờ chỉ còn ít hàng bán đèn ông sao, đèn ồng sư, đèn con thỏ… mà trẻ con bây giờ nó cũng chả thiết tha gì với đồ chơi truyền thống nữa, bởi chúng đã có Lego, có đồ chơi Trung Quốc, có gema trong iphon, ipad… Nhưng với mình, mình vẫn luôn đau đáu nhớ về Ba và yêu những chiếc đèn ông sao, đèn ông cá chép, và nhất là đèn kéo quân mà Ba làm thủa nào, yêu những cây nến hạt bưởi của thủa ấu thơ…

Tìm đâu ra đèn kéo quân để mua cho cháu chơi vào dịp Trung Thu bây giờ?

*** Bài viết này Lê Hoàng Kha cóp nhặt từ tác giả Tạ Trí
Previous Post
Next Post

Share
NỘI DUNG PHÙ HỢP

1 nhận xét:

Nguyễn Thu Yến nói...

Em hay mau nước mắt.
Dễ xúc động.
Cả trăm lần khóc, cả trăm lần bồi hồi.
Anh viết về đèn Kéo quân, về Cha, về chính mình, như kí ức có bao giờ phôi pha.
Quý anh.